• Sử dụng công nghệ LED góp phần giải quyết bài toán khủng hoảng năng lượng toàn cầu

    Đứng trước bài toán khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhiều chuyên gia đã vào cuộc từ hàng chục năm nay. Thế nhưng ít ai biết rằng, chỉ cần thay đổi nhỏ một chút trong thói quen tiêu dùng, là bạn đã góp phần không nhỏ vào giải quyết bài toán của thế giới.

    Cuộc khủng hoảng năng lượng đang trở nên hết sức cấp bách, không chỉ đe dọa đến tăng trưởng kinh tế thế giới, mà còn đe dọa trực tiếp hoà bình, an ninh quốc tế. Nguồn năng lượng hoá thạch, món quà cực kỳ quý báu của thiên nhiên ban tặng con người đang cạn kiệt. Vậy, nguồn năng lượng nào sẽ thay cho năng lượng hoá thạch? Đó là vấn đề mà cả cộng đồng quốc tế phải quan tâm.

    Trên thực tế đã có nhiều phương án được đưa ra và cũng có nhiều dự án về năng lượng mới được thực hiện, góp phần đáng kể giải quyết sự thiếu hụt năng lượng hiện nay. Tuy nhiên, những phương án, những dự án mới được thực hiện một cách hết sức nhỏ lẻ, dè dặt và cục bộ ở một số quốc gia. Lý do là những phương án này đều có những nhược điểm nhất định, thậm chí là rất lớn, nếu triển khai đồng loạt sẽ đem lại hậu quả khó lường, loài người sẽ phải trả cái giá cực đắt mà người ta chưa thể tính được. Mặt khác, trong khi cộng đồng quốc tế đang dồn mọi nỗ lực tìm phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng, thì chỉ vì lợi ích cục bộ, một số thế lực lại ưu tiên dùng vũ lực chiếm giữ những vùng lãnh thổ giàu tiềm năng gây ra các cuộc xung đột, chiến tranh cục bộ. Các cuộc “chiến tranh dầu mỏ” sẽ tiếp tục xảy ra gay gắt, trầm trọng hơn đe doạ hoà bình, an ninh thế giới.

    Vấn đề đặt ra ở đây là, giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay như thế nào để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới mà vẫn đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt là bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 8 tỉ người và giữ gìn hoà bình thế giới, vốn rất mong manh.

    Nguyên nhân và hậu quả

    Trong mấy năm gần đây, các nhà khoa học hàng đầu của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… đã đưa ra lời cảnh báo về một cuộc khoảng hoảng năng lượng trong thế kỷ XXI. Phân tích về nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này, các nhà khoa học cho rằng chủ yếu do nguồn dầu lửa, khí đốt, than đá đã cạn kiệt, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao do nhiều quốc gia đang đẩy mạnh công nghiệp hoá trong khi chưa có nguồn năng lượng chủ đạo mới thay thế dầu lửa; bất ổn về an ninh ở các vùng chiến lược về năng lượng của thế giới (chủ yếu do chính sách chính trị cường quyền của Mỹ) và thế giới còn bất đồng quan điểm về các giải pháp xử lý cuộc khủng hoảng.

    Dầu lửa và nhiên liệu hoá thạch đang cạn kiệt. Các số liệu tìm kiếm, thăm dò và nhận định về trữ lượng dầu toàn cầu cho biết, trữ lượng dầu dưới lòng đất chỉ đủ để cho con người sử dụng trong 42 năm tới. Với tốc độ khai thác như hiện nay, trong vòng 30 năm nữa nguồn dầu lửa dưới lòng đất không còn nhiều và 50 - 60 năm nữa sẽ hoàn toàn cạn kiệt. Than đá và khí đốt cũng ở tình trạng tương tự. Theo ước tính của các chuyên gia, trữ lượng than đá và khí đốt tự nhiên chỉ còn khoảng 909 tỉ tấn và sẽ cạn kiệt trong 155 năm nữa.

    Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao. Trong nhiều năm qua, do sự bùng nổ của công nghiệp hoá ở các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh, nhu cầu dầu lửa của thế giới ngày càng tăng một cách nhanh chóng. Các nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá, 2/3 lượng tăng nhu cầu năng lượng của thế giới là do nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ. Phần còn lại là do sự tăng nhu cầu dầu lửa của các nước đang phát triển khác. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, nhu cầu sử dụng dầu mỏ của thế giới đến 2025 sẽ tăng thêm khoảng 35%. Ngoài ra, thế giới còn có trên 800 triệu xe ô tô, mỗi ngày tiêu thụ 10 triệu tấn xăng dầu, bằng nửa sản lượng khai thác mỗi ngày.

    Bất ổn về an ninh ở các khu vực chiến lược về năng lượng của thế giới.

    Từ trước đến nay, các khu vực trọng điểm chiến lược về dầu lửa của thế giới luôn là mục tiêu của các nước có tham vọng khu vực và toàn cầu. Đó là các khu vực Trung Đông, Trung Á, Mỹ La-tinh, châu Phi và các đại dương.

    Bất đồng quan điểm.

    Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát là do sự bất đồng quan điểm giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Mỹ và các nước tư bản phát triển cho rằng, các nước OPEC đã bất hợp tác trong kiềm chế giá dầu tăng cao, phớt lờ đề nghị của cộng đồng quốc tế về tăng sản lượng khai thác, cố tình duy trì giá dầu để thu lợi.

    Giải pháp nào để giải quyết cuộc khủng hoảng?

    Trước tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhiều quốc gia và các tổ chức liên kết khu vực đã tích cực nghiên cứu, triển khai các giải pháp xử lý cuộc khủng hoảng. Các nhà phân tích cho rằng, các giải pháp gây áp lực buộc OPEC phải tăng sản lượng khai thác dầu để hạ giá dầu chỉ là biện pháp trước mắt chứ không phải là giải pháp gốc. Vì vậy, tất cả các quốc gia đều đi tìm nguồn năng lượng mới, kêu gọi tiết kiệm trong sử dụng xăng dầu, khí đốt, than, điện và giải quyết xung đột ở các điểm nóng.. Tuy nhiên, mỗi giải pháp đều có những hạn chế của nó và cần có thời gian cũng như tiền bạc.

    Một là, giải pháp đa dạng hoá các nguồn cung cấp năng lượng.

    Thế giới đã và đang tập trung phát triển năng lượng hạt nhân, năng lượng tái sinh và năng lượng sinh học. Tuy nhiên, mỗi một dạng năng lượng này đều có những nhược điểm, thậm chí là rất lớn. Năng lượng hạt nhân có nhược điểm là thiếu sự an toàn (đã xảy ra sự cố xảy ra ở Mỹ, Nga, Nhật Bản), nguy cơ bị chủ nghĩa khủng bố quốc tế đánh cắp, bị lợi dụng sản xuất vũ khí hạt nhân, và không phải quốc gia nào cũng có đủ tài chính và công nghệ để xây dựng và vận hành nhà máy điện nguyên tử.

    Hai là, giải pháp sử dụng năng lượng tái sinh.

    Hiện có ít nhất 45 quốc gia đang sử dụng loại năng lượng này, 60 nước có chương trình quốc gia phát triển năng lượng tái sinh, 19 nước khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời để thắp sáng và sưởi ấm. Tuy nhiên, năng lược tái sinh có khá nhiều nhược điểm. Ví dụ, nguồn nước trên thế giới ngày một khan hiếm nên không thể phát triển thuỷ điện, các công trình thuỷ điện lớn có thể gây ra những biến đổi về địa chất, gây ra những thảm họa thiên tai khó lường; năng lượng gió và năng lượng mặt trời lại bị phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết và chế độ gió, số giờ nắng vốn hết sức thất thường, không phải ở đâu cũng sản xuất được điện từ gió và nắng.

    Ba là, giải pháp phát triển năng lượng sinh học

    Năng lượng sinh học được xem như một loại “năng lượng xanh” bởi nó ít thải ra khí các-bon-níc gây hiệu ứng nhà kính, hủy hoại môi trường. Tuy nhiên, giải pháp này đang bị các nhà khoa học, bảo vệ môi trường phản đối. Sản xuất diêzen sinh học sẽ cướp đi một diện tích đất canh tác sẽ làm làm giảm sản lượng lương thực, trong khi thế giới đang đối mặt với khủng hoảng lương thực. Hơn thế nữa, việc phá rừng để trồng cây nguyên liệu sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp về môi trường.

    Ngoài ra, tiết kiệm năng lượng cũng là một giải pháp được các quốc gia ưu tiên.

    Thay vì vò đầu bức tóc suy nghĩ tìm nguồn năng lượng thay thế, chúng ta – những người tiêu dùng – có một giải pháp đơn giản và hiệu quả hơn khá nhiều. Thay đổi thói quen tiêu dùng và sinh hoạt, tiết kiệm nhiều nhất có thể lượng điện năng tiêu thụ. Trong phạm vi hoạt động chiếu sáng, thật không có giải pháp nào hiệu quả hơn sử dụng công nghệ LED. Vừa tiết kiệm lại vừa bảo vệ môi trường. Thử nghĩ đơn giản, nếu toàn bộ hoạt động chiếu sáng giảm lượng điện xuống đến 70%, lượng điện đó có thể bù vào một phần cho các dạng năng lượng khác, từ đó giảm đi áp lực cho các ngành năng lượng khác, làm bài toán khủng hoảng năng lượng trở nên dễ dàng hơn.

    Hãy là người tiêu dùng thông minh để bảo vệ túi tiền của bạn, bảo vệ các nguồn năng lượng cho nhân loại.

    Ngày đăng: 13-02-2015 3,147 lượt xem